“Một số nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ”

 Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011), trong đó có quy định cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn giấy, đồng thời tiến hành thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. 

Vương Đình Anh
Anh VĐ
16:39 29/01/21 trong Tin tức
16:39 29/01/21 445 lượt xem
Mục lục

Sau gần 10 năm triển khai áp dụng hóa đơn điện tử đã cho thấy có nhiều lợi ích hơn so với hóa đơn giấy như: Góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Đặc biệt, hóa đơn điện tử giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP với những quy định rõ ràng và bao quát hơn về hóa đơn, chứng từ như: quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; quy định việc quản lý, sử dụng chứng từ khi thực hiện các thủ tục về thuế, thu phí, lệ phí; quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 123/2020/NĐ-CP so với các quy định trước đây đó là:

a) Mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử:
Tại Điều 2 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm 02 đối tượng là Tổ chức thu thuế, phí, lệ phí và Tổ chức in hóa đơn, biên lai, cung cấp phần mềm in biên lai ngoài các đối tượng sử dụng hóa điện tử đã được quy định tại Nghị định 119/2019/NĐ-CP (bao gồm: Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; Cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn).
Như vậy quy định này đã bao quát 100% đơn vị, tổ chức và cá nhân trong quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử để có thể đồng loạt áp dụng trên toàn quốc kể từ ngày 01/7/2022.

b) Quy định rõ các hành vi cấm trong quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ đã được quy định rõ tại Điều 5 Nghị định 123/2020, cụ thể:
Những hành vi bị cấm đối với công chức thuế: Gây phiền hà, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ; Có hành vi bao che, thông đồng cho các tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về chứng từ, hóa đơn.
Hành vi cấm đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan: thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hạn sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ; Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

c) Bổ sung thêm 02 loại hóa đơn điện tử

Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm 02 loại hóa đơn mới đó là Hóa đơn bán tài sản công và Hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia ngoài 03 loại hóa đơn thông dụng đã được quy định tại Nghị định 119/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
Hóa đơn điện tử bán tài sản công: là hóa đơn điện tử được sử dụng khi bán các tài sản bao gồm Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước); Tài sản kết cấu hạ tầng; Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.
– Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia: là hóa đơn điện tử được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.

d) Quy định thời điểm lập hóa đơn với một số trường hợp cụ thể trong NĐ 123/2020/NĐ-CP

Tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định về thời điểm lập hóa đơn đã được làm rõ trong một số trường hợp cụ thể, giúp doanh nghiệp giải quyết nhiều vướng mắc trong vấn đề thời điểm lập hóa đơn trong các trường hợp như: Cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý; Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; Bán điện của các công ty sản xuất điện; Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi,…
So với những quy định về hóa đơn, chứng từ theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã có một số thay đổi đáng kể, đặc biệt là các quy định liên quan đến hóa đơn điện tử.
Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định cho phép doanh nghiệp “được sử dụng hóa đơn giấy đến hết ngày 30/6/2022 đối với những hóa đơn đã thông báo phát hành trước ngày 19/10/2020” để tiết kiệm chi phí cũng như giúp các doanh nghiệp chuyển đổi dần sang thực hiện quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/7/2022 trên phạm vi toàn quốc.
Chính Phủ, Tổng cục Thuế và các cơ quan thuế địa phương đều khuyến khích doanh nghiệp áp dụng sớm để nhận được những lợi ích thiết thực và lâu dài từ việc sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần xây dựng một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch.

Hotline
024 3972 7738
Zalo
024 3972 7738
Viber
024 3972 7738
Youtube
Twitter
Facebook
http://facebook.com/
Facebook
http://facebook.com/
Instagram