Nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trong công tác quản lý thuế
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, quản lý chặt chẽ các nguồn thu hiện có bên cạnh việc tích cực khai thác các nguồn thu mới nhằm tạo dư địa tăng thu là một trong những mục tiêu quan trọng của Ngành Thuế trong giai đoạn hiện nay
Anh VĐ
16:23 29/01/21
trong Tin tức
16:23 29/01/21
986 lượt xem
16:23 29/01/21
986 lượt xem
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, quản lý chặt chẽ các nguồn thu hiện có bên cạnh việc tích cực khai thác các nguồn thu mới nhằm tạo dư địa tăng thu là một trong những mục tiêu quan trọng của Ngành Thuế trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Thuế đang nỗ lực xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong đó có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế với ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 01 năm 2021, số lượng các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đang đăng ký hoạt động tại Việt Nam bao gồm: 31 ngân hàng thương mại cổ phần, 61 ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, 04 ngân hàng thương mại nhà nước, 02 ngân hàng liên doanh, 02 ngân hàng chính sách, 01 ngân hàng hợp tác xã. Hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công tác quản lý thuế của ngành Thuế.
Ngày 13/06/2019, Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020. Một trong những nội dung sửa đổi quan trọng của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trong công tác quản lý thuế. Cụ thể:
Một là, Phối hợp với cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế, xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tính đến cuối năm 2020, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc kết nối nộp thuế điện tử giữa 55 Ngân hàng thương mại với 63 Cục Thuế địa phương. Số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế là 800.007 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,76% trên tổng số 809.307 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp đã nộp tiền thuế thông qua 3.209.540 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là 730.982 tỷ đồng và 36.683.130 USD. Tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử trong năm là 9.297 doanh nghiệp trên tổng số 9.735 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 95,5% với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 126.266 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 96,7% số tiền được hoàn).
Hai là: Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Việc cung cấp thông tin về tài khoản được thực hiện lần đầu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 05/12/2020. Sau khi cung cấp thông tin lần đầu, Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cập nhật các thông tin về tài khoản của người nộp thuế hàng tháng (trong 10 ngày của tháng kế tiếp). Ngân hàng thương mại phải cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản và số dư tài khoản cho cơ quan thuế để phục vụ công tác quản lý thuế nếu cơ quan Thuế có yêu cầu. Cơ quan thuế chịu trách nhiệm bảo mật thông tin và sự an toàn của thông tin do ngân hàng cung cấp. Cơ chế phối hợp nêu trên tạo kỳ vọng về siết chặt quản lý thu thuế của cơ quan thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng.
Ba là: Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế của tổ chức cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Theo đó, Tổng cục Thuế phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định, thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế ở Việt Nam cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế cho nhà cung cấp nước ngoài. Quy định nhằm siết chặt quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử hiện nay với quy mô thị trường dự kiến có thể lên tới 10 tỷ USD nhưng đóng góp của lĩnh vực này vào ngân sách nhà nước còn đang hạn chế.
Với những sửa đổi về mặt chính sách thuế theo hướng tăng cường, trách nhiệm của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong công tác quản lý thuế, Ngành Thuế kỳ vọng trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công tác phối hợp quản lý thu ngân sách nhà nước.